Bản mềm vở chính tả lớp 2 tập 1

Rất nhiều phụ huynh luôn lo lắng về việc con viết chữ quá xấu và cẩu thả, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Bài viết này sẽ hướng dẫn cụ thể cách rèn luyện chữ đẹp cho trẻ lớp 2.

Bạn đang xem: Bản mềm vở chính tả lớp 2 tập 1


1. Tại sao nên rèn con viết chữ đẹp?

Việc rèn chữ viết sao cho đẹp, cho ngay ngắn tưởng chừng chỉ là một việc hết sức bình thường nhưng thực tế, nó còn giúp cho các con có thể rèn luyện những phẩm chất tốt như: tính cẩn thận, tinh thần kỷ luật và óc thẩm mỹ….

Hơn thế nữa, việc các con trình bày những trang vở của mình của mình một cách sạch đẹp, cân đối còn thể hiện tính cách của các con đối với việc học tập cũng như những công việc các con thực hiện hằng ngày. Chính vì vậy mà các bậc phụ huynh cũng như các thầy, cô giáo đều quan tâm đến việc rèn chữ sao cho thật đẹp và chỉn chu.

Đặc biệt, nét chữ đẹp còn khiến bài thi của các con trở nên sáng sủa, dễ đạt được điểm cao hơn.

2. Nguyên tắc cơ bản để khi dạy con luyện chữ đẹp

Chuẩn bị dụng cụ luyện chữ đầy đủ

Đầu tiên, chúng ta cần chuẩn bị cho các con đầy đủ các đồ dùng cần thiết cho quá trình luyện chữ: bút chì, tẩy, bút máy, vở. Khi bắt đầu luyện viết, các con nên viết bằng bút chì. Loại bút chì 2B của Đức là loại nên dùng trong giai đoạn này. Đến khi các con bắt đầu viết bút máy, quý phụ huynh cần lưu ý chọn cho con loại bút có ngòi nhỏ tầm 0,5mm, đầu ngòi hình hạt gạo tròn. Loại bút này viết trơn, có thể dễ dàng viết nét đều. Cần tránh mua những loại bút máy ngòi to, mực xuống nhiều vì khi viết sẽ rất dễ bị nhòe và in sang các trang khác.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh hay giáo viên cũng cần trang bị dụng cụ giảng dạy sao cho trực quan và sinh động nhất.

Chữ mẫu là một gợi ý tốt trong trường hợp này. Chữ mẫu có thể được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau như: chữ mẫu in sẵn, chữ mẫu phóng to lên bảng, hộp chữ mẫu bằng giấy hay nam châm, chữ mẫu của giáo viên….

Nên sử dụng những bảng chữ cái sinh động

Chữ mẫu phóng to lên bảng sẽ giúp cho các con dễ dàng quan sát, từ đó tạo điều kiện cho các con phân tích hình dạng, kích thước và cấu tạo các nét cơ bản của chữ cái cần viết. Còn chữ mẫu của giáo viên sẽ giúp con biết được thứ tự của các nét viết trong một chữ đó.

Chỉnh tư thế ngồi viết đúng chuẩn cho trẻ

Nên rèn các con ngồi ngay ngắn, không tì ngực vào bàn, đầu hơi cúi, hai mắt cách vở từ 25-30cm. Cánh tay trái đặt trên mặt bàn bên trái vở, cánh tay phải tì vào mép vở giữ vở không xê dịch khi viết.

Dạy trẻ cách đặt vở

Vị trí đặt vở tốt nhất là vở đặt nghiêng so với mép bàn một góc khoảng 30 độ nghiêng về phía bên phải.

Hướng dẫn trẻ cách cầm bút

Khi viết, học sinh cầm bút và điều khiển bút bằng ba ngón tay (ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa của bàn tay phải). Đầu ngón trỏ đặt ở phía trên, đầu ngón cái giữ bên trái, phía bên phải của đầu bút tựa vào cạnh đốt đầu ngón tay giữa.

3. Kỹ thuật luyện viết chữ đẹp cho học sinh lớp 2

Dạy cách rê bút

Rê bút là nhấc nhẹ đầu bút nhưng vẫn chạm vào mặt giấy theo đường nét viết trước hoặc tạo ra việt mờ để sau đó có nét viết khác đè lên.

Từ rê được hiểu theo nghĩa di chuyển chậm đều đều, liên tục trên bề mặt của giấy, do vậy giữa đầu bút và mặt giấy không có khoảng cách (có thể hiểu là không được nhấc bút).

Dạy cách lia bút

Lia bút là dịch chuyển đầu bút từ điểm dừng này sang điểm đặt bút khác, không chạm vào mặt giấy. Khi lia bút, ta phải nhấc bút lên để đưa nhanh sang điểm khác, tạo một khoảng cách nhất định giữa đầu bút và mặt giấy.

Xem thêm: 15 Kiểu Tóc Nam Uốn Tóc Nam Gợn Sóng Nhẹ 2021 Nếu Muốn Đẹp Trai

Trong quá trình hướng dẫn học sinh về quy trình viết một chữ cái, rèn kĩ thuật nối chữ, viết liền mạch người giáo viên, phụ huynh cần lưu ý sử dụng các thuật ngữ trên cho chính xác.

Ví dụ: Khi hướng dẫn học sinh viết chữ m, giáo viên hướng dẫn như sau:

Đặt bút giữa hai đường kẻ dọc, cao 2/3 đơn vị chữ viết nét móc đến đường kẻ đậm, tiếp tục đưa lên viết nét móc thứ 2, viết liền mạch với nét móc 2 đầu, dừng bút ở giữa ĐVC. Độ rộng giữa gia nét xổ là 1,5 ĐV

Rèn viết đúng trọng tâm các nhóm chữ

Căn cứ vào đặc điểm cấu tạo nét và mối quan hệ về cách viết các chữ cái, để học sinh viết đúng kĩ thuật, viết đẹp, nắm chắc mẫu chữ.

Giáo viên và phụ huynh có thể chia chữ viết thành các nhóm và xác định trọng tâm đại diện cho mỗi nhóm chữ gồm những nét nào, những nét chữ nào học sinh hay viết sai, học sinh gặp khó khăn gì khi viết các nhóm chữ đó để khắc phục nhược điểm giúp học sinh viết đúng và đẹp.

Đối với chữ thường

Các bậc phụ huynh và giáo viên cần cho các con luyện chữ và sửa chữ tương ứng với ba nhóm sau:

Nhóm 1: Gồm các chữ: m, n, u, ư, i, t, v,r, p

Với nhóm này, các lỗi học sinh hay mắc là viết chưa đúng nét nối giữa các nét, nét móc thường hay bị đổ nghiêng, nét hất lên thường bị choãi chân ra không đúng.

Cách khắc phục: Cho học sinh luyện viết nét sổ có độ cao 2 ô li, sau đó mới viết nét móc xuôi, nét móc ngược, nét móc hai đầu có độ cao 2 ô li thật đúng, thật thẳng.

Nhóm 2: Gồm các chữ: b, l, h, k, y

Các lỗi hay mắc: Học sinh hay viết sai điểm giao nhau của nét, chữ viết còn cong vẹo.

Cách khắc phục: Trước tiên cho học sinh viết nét sổ có độ cao 5 ô li một cách ngay ngắn, thành thạo để rèn tư thế cầm bút chắc chắn cho học sinh. Sau đó dạy học sinh viết nét khuyết trên có độ cao 5 ô li, độ rộng trong lòng 1 ô li.

Để giúp học sinh viết đúng điểm giao nhau của các nét khuyết, hướng dẫn học sinh đặt một dấu chấm nhỏ vào sát đường kẻ dọc, trên dòng kẻ ngang 2 của li thứ tư và rèn cho học sinh luôn đưa bút chì từ điểm bắt đầu qua đúng chấm rồi mới đưa bút lên tiếp viết nét khuyết trên có độ rộng bằng 1 li. Tương tự như vậy, dạy học sinh viết nét khuyết dưới có độ cao 5 ô li, độ rộng 1 ô li.

Nhóm 3: Gồm các chữ: o, ô, ơ, a, ă, â, c, x, d, đ, q, g, e, ê, s

Các lỗi học sinh hay mắc đối với nhóm chữ này là viết chữ o chiều ngang quá rộng hoặc quá hẹp, nét chữ không tròn đều đầu to, đầu bé, chữ o méo. Hầu hết các em viết chữ o xấu.

Cách khắc phục: Giáo viên cho học sinh chấm 4 điểm vuông góc đều nhau như điểm giữa 4 cạnh của hình chữ nhật và từ điểm đặt bút của con chữ o viết một nét cong tròn đều đi qua 4 chấm thì sẽ được chữ o tròn đều và đẹp. Sau đó, hướng dẫn học sinh ghép với các nét cơ bản khác để tạo thành chữ.

Đối với chữ hoa

Cần hướng dẫn học sinh cách viết tạo sự liên kết bằng nối nét hoặc để khoảng cách hợp lý giữa các chữ cái viết hoa và chữ cái viết thường trong chữ ghi tiếng. Cụ thể:

17 chữ cái viết hoa A, Ă, Â, G, H, K, M, L, Q, R, U, Ư, Y ( kiểu 1), A, M, N, Q (kiểu 2) có điểm dừng bút hướng tới chữ cái viết thường kế tiếp. Khi viết cần tạo sự liên kết bằng cách thực hiện việc nối nét.

Ví dụ : Khánh Hoà, Gia Lai

17 chữ cái viết hoa B, C, D, Đ, E, Ê, I, N, O, Ô, Ơ, P, S, T, V, X ( kiểu 1), V (kiểu 2) có điểm dừng bút không hướng tới chữ cái viết thường kế tiếp, khi viết cần tạo sự liên kết bằng cách viết chạm nét đầu của chữ cái viết thường vào nét chữ cái viết hoa đứng trước hoặc để khoảng cách ngắn bằng 1/2 khoảng cách giữa hai chữ cái.

Kỹ thuật viết nét thanh nét đậm

Kỹ thuật viết nét thanh: Đưa ngòi viết hơi nghiêng, hất nhẹ từ dưới lên trên để tạo nét chữ thanh mảnh, mềm mại.Kỹ thuật viết nét đậm: Đưa ngòi viết úp mặt xuống xuôi theo chiều ngồi của người viết. Nét viết từ trên xuống dưới, viết nhẹ nhàng không cần tỳ, đè bút sẽ giúp nét chữ trong tự nhiên hơn

Dành thời gian luyện chữ hằng ngày

Ngoài việc áp dụng những phương pháp luyện viết chữ đẹp đã được nêu ở trên, các bậc phụ huynh và giáo viên cũng cần nhắc nhở các con phải luyện chữ thường xuyên, đều đặn để đạt được hiệu quả như mong muốn. Thời gian tốt nhất là từ 1 – 2 tiếng mỗi ngày.

Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp cho các quý phụ huynh và các thầy cô có thêm một tài liệu tham khảo để rèn chữ cho các con học sinh lớp 2 được hiệu quả nhất!